THẦY & TRÒ

Đó cũng là đạo thầy trò, không có Thầy thì không có Trò, trò chẳng ra ”trò” thì thầy đứng bục giảng một đời cũng chẳng được làm Thầy.

Thầy giáo đúng là có người này kẻ kia. Cả gia đình tôi truyền thống Nhà giáo, gõ đầu cả trẻ Tây lẫn trẻ Ta. Sống trong cái môi trường ấy thì biết được rằng nghề cũng đầy gian nan.

Nếu bước vào một giờ dạy Toán của các dì tôi, dường như không chỉ là học Toán mà còn là cô trò truyền cho nhau cái phương pháp của người học, cùng học với nhau, trò học cô mà cô cũng phải học trò.

Bước vào một giờ dạy lịch sử của Mẹ tôi, lịch sử mở ra còn là ở cả ngành dọc ngành ngang, từ triết học cho đến văn hóa. Sinh viên vì thế mà say sưa. Phần lớn học trò của mẹ tôi đều trở thành giáo viên sau này, thì những người đó họ mang cái sự đa dạng ấy đến với học trò.

Bố tôi thì dạy được từ trẻ vỡ lòng cho đến hướng dẫn đề tài nghiên cứu cho tiến sĩ, sau tiến sĩ. Chỉ bởi một lẽ là ông biết lắng nghe xem người ta nói cái gì, nghĩ cái gì. Trẻ 4-5 tuổi cũng đầy tâm tư chứ đâu phải chỉ có người nghiên cứu mới biết nghĩ.

Có một lần Bố tôi bảo tôi rằng nghề giáo ở Việt Nam ta có một cái dở là trò rất ngại hỏi, rất ít hỏi, bởi vì hỏi ra có khi lại ăn đòn. Còn thầy thì sao? thầy chẳng bao giờ bị vặn nên cứ ngỡ mình là chân lý. Từ cái ngộ nhận ấy mà sinh ra biếng lười, độc đoán, đi xa hơn thì không tránh khỏi thói khua môi múa mép tào lao. Trên bục giảng chỉ thấy thầy nói, trò thưa. Mà ở cái tuổi mười lăm mười sáu, đang định hình nhân cách, rồi chỉ biết nghe lời dạy dỗ thì còn gì là Người. Ở tuổi ấy người ta phải biết tìm ra câu hỏi cho mình. Thầy đặt vấn đề, trò chất vấn lại, thầy trò cùng suy nghĩ cùng thảo luận, vừa là thầy nhưng cũng phải vừa là bạn.

Cứ thử nghĩ như thế này đi, nhiều thầy giáo chỉ hơn học trò 6-7 tuổi mà cứ lên mặt giảng đời như cha, như mẹ thì là điều không nên. Đấy là chưa kể chuyện thầy kém trò, ở đây không nói đến việc kém về kiến thức, mà có thể kém ở nhiều điều khác, kém hơn về nhạy cảm nghệ thuật, kém hơn trong năng khiếu thể thao. Thế nên thầy trò không nên lấy cái nghiệp vụ ra để hơn thua nhau mà phải lấy cái trải đời để nâng đỡ nhau. Giảng dạy là một nghệ thuật về truyền đạt là vì thế và trong đó phải có sự lắng nghe của đôi bên.

Khoảng 15 tuổi, lớp tôi có thầy tên là T ở bên ĐH Tổng hợp sang dạy môn Giáo Dục Công Dân. Thầy là người có kiến thức, lại trải đời nên giảng hay, học trò thích và quý thầy. Nhưng trên đời này có ai toàn năng mà tránh được mọi thiếu sót? Một lần nọ đang vào nhịp giảng, thầy kể chuyện rằng có em học sinh kia bị mời phụ huynh lên, ông phụ huynh bảo thầy rằng tôi cũng là tiến sĩ thì trường nên có cái giấy mời chứ đừng tùy tiện gọi lên. Thầy T tức mình nói luôn ”anh tưởng anh là tiến sĩ mà oai à, con tôi nó cũng là tiến sĩ rồi”. Thầy nói xong cả lớp cười ngặt nghẽo, hả hê lắm. Học trò ở đâu chả thế, chỉ biết hùa theo là nhanh. Tôi mới đứng lên hỏi thầy rằng tại sao thầy lại nói thế, thế nếu con thầy là Thủ tướng hay Chủ tịch nước thì thầy cũng cứ thế mà ngồi lên đầu người khác sao? Mình đem cái sự hợm hĩnh của mình ra ra để đối đầu với cái hợm hĩnh của người khác, rồi lại còn mang ra để làm gương hay sao.

Cá nhân tôi cho rằng, đó có thể là lần duy nhất trong đời của thầy T vấp phải một sự phản biện từ phía học trò. Tôi cũng thấy áy náy bèn mang chuyện này về kể với bố tôi. Bố bảo rằng không sao, có thể sống gần nửa đời rồi hôm nay thầy T mới được làm ”thầy”, làm vậy là giúp thầy chứ chẳng có gì hại cả.

Thì đó cũng là đạo thầy trò, không có Thầy thì không có Trò, trò chẳng ra ”trò” thì thầy đứng bục giảng một đời cũng chẳng được làm Thầy.

#XND Le Quang

4 comments on “THẦY & TRÒ

  1. Trang says:

    Em thường theo dõi và đọc những bài viết của anh. Hy vọng em có thể đọc thêm nhiều về phương pháp giáo dục của gia đình anh. Đọc về cách ba anh nuôi dưỡng và giảng dạy con qua những bài viết trước đây của anh đã truyền cảm hứng cho em rất nhiều để hoàn thiện mình hơn (em là một giáo viên.) Cám ơn vì mọi điều anh đã chia sẻ ạ.

    1. lequang says:

      Cảm ơn em, hi vọng em cũng thường xuyên theo dõi các chia sẻ này nhé. Trong thời gian tới cũng sẽ có nhiều tác giả tham gia viết bài về chủ đề Giáo dục em ạ. 🙂

  2. Kietnguyen says:

    Góc nhìn “trò chẳng ra ”trò” thì thầy đứng bục giảng một đời cũng chẳng được làm Thầy” mới mẻ và tạo nhiều suy nghĩ cho người đọc. Cảm ơn tác giả.

  3. NThanh says:

    Cảm ơn anh Lê Quang nhiều, đọc bài này xong em chợt nhận ra lý do em thi đạt điểm khá ổn môn Toán thi đại học chủ yếu là do phương pháp giáo dục “sẵn sàng lắng nghe phản biện và trả lời” của mẹ em lúc bấy giờ (mẹ em là giáo viên Toán dạy kèm em). Mà lên đại học thì thực sự sinh viên cũng lười đặt câu hỏi ạ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *