MỘT KẺ MỘNG MƠ.

7 năm trước, tôi thuê trọ phòng trong một gia đình người Thụy Sĩ. Thành phố Giơ-ne-vơ đắt đỏ nên thuê được chỗ ở là mừng rồi chứ chẳng dám đòi hỏi gì nhiều. Ngoài hai vợ chồng chủ nhà với cháu bé con trai của họ ra thì còn có một chị tiếp viên hàng không (bạn của chị vợ) và một anh kĩ sư, cộng thêm tôi nữa là 6 con người. 6 cuộc đời, mỗi cuộc đời ở một phòng riêng.

Ở Đức và Thụy Sĩ, flat-share như vậy khá phổ biến. Khu nhà này là một tổ hợp nhà ở xã hội nổi tiếng tọa lạc ở phía Bắc thành phố, gần trung tâm vật lý hạt nhân CERN lừng danh. Sinh hoạt trong nhà thì mỗi người một kiểu. Gia đình có con nhỏ thường khá bận bịu từ sáng đến tối. Chị tiếp viên hàng không bay theo chuyến suốt, thi thoảng mới xuất hiện. Ông anh kĩ sư thì sống khép kín rất ít khi thấy mặt còn tôi thì chủ yếu làm việc ở Văn phòng cách đó không xa. Cuộc sống chung của 6 con người cũng bình thường, không có gì đáng kể.

Ngày thường, ngoài bà chị tiếp viên hàng không thích buôn chuyện ra thì tôi hay chém gió với anh chồng của gia đình kia, thanh niên người gốc Phi nên tiện nói Tiếng Anh với nhau. Tôi cũng quý anh này vì vui tính hồn hậu. Mặc dù vợ làm ngân hàng nhưng anh chồng chỉ làm quét dọn tạp vụ thôi. Số là anh này trước đây từng có một đời vợ ở quê nhà, vợ chết, đi bước nữa với chị ngân hàng kia. Thi thoảng chị vợ chép miệng bảo tôi, giọng ngán ngẩm, mày biết đấy hồi đó tao mới 19 tuổi, đi du lịch với bà già rồi phải lòng chồng tao.

Ông anh này làm việc rất hăng, anh ta làm một lúc 2 công việc quét dọn. Làm tận tâm, yêu nghề chứ không phải là qua loa. Có lần tôi đi uống cà phê với đôi vợ chồng này, anh chồng nhìn người quét dọn trong quán rồi lắc đầu phàn nàn. Chị vợ quay sang tôi cười khúc khích, bệnh nghề nghiệp mày ạ, chồng tao nói không hiểu sao lại có loại người làm việc tắc trách như vậy. Sau này tôi được biết anh này vừa làm vừa tiết kiệm gửi tiền về quê nuôi 2 đứa con riêng. Cuộc sống của thanh niên rất tằn tiện, tôi có lần gặp anh chàng ở trong siêu thị thấy cứ đắn đo trước một chai rượu, nhấc lên đặt xuống mấy lần rồi còn cầm ra quầy tính tiền hỏi giá xong lại thôi không mua nữa. Thuốc lá chỉ hút 1 điếu một ngày, cơm tự nấu mang đi làm ăn chứ chẳng bao giờ ăn hàng.

Được cái thanh niên rất khỏe mạnh cường tráng, cao gần 2m nặng hơn trăm ký, thi thoảng còn rủ tôi chạy bộ cho khỏe người. Mỗi khi phải đợi tôi chạy phía sau, anh cười bảo tôi, da đen bọn tao cứ trưởng thành một cái là có cơ bắp luôn, đéo phải tập tành gì. Lắm khi đi ngang qua sân gặp các toán thanh niên vô công rỗi nghề (khu này nó vậy) anh lại phím với tôi rằng gặp đám nào thì chơi được, đám nào thì tránh. Có lần chúng tôi phải đi đường vòng để lánh mặt một toán người. Thanh niên phân tích tỉ mỉ cho tôi rằng đấy là bọn Kenya, mày tránh ra thì hơn, nếu là tụi Pháp hay Bờ Biển Ngà thì chơi được. Tôi đảo mắt nhìn vặn lại, cùng là da đen làm sao mà phân biệt được Kenya với Bờ Biển Ngà. Thấy vậy anh có vẻ sửng sốt rồi bảo tôi khác nhau thế mà mày không nhận ra à.


”Thanh niên chồng của chúng ta có cuộc đời đây giông tố

Thanh niên của chúng ta có cuộc đời đây giông tố. Một hôm tôi thấy anh khóc tu tu ở hành lang, hỏi ra thì chị vợ bảo ông anh trai của anh mới bị bắn chết trước đó mấy tháng ở quê. Bị bắn ngoài đường. Hôm sau thanh niên gặp tôi trên đường đi làm về mới phân trần xin lỗi tôi vì mỗi khi gọi điện thoại về quê anh lại buồn mà khóc toáng cả lên. Tôi hỏi chuyện, đoạn anh mới kể cho tôi đầu đuôi vụ nổ súng, ở quê anh, người ta có thể giết nhau vì một cái chậu hoa bị vỡ bên đường. Anh làm việc rất chăm chỉ, một phần tiền dùng để gửi về cho Luật sư đi mua lời khai ( nếu không trả tiền thì không ai dám ra làm chứng cả). Sau này, không trọ nhà đó nữa, tôi cũng không biết vụ kiện cáo cuối cùng có kết quả gì không.

Vừa đi quét rác ở Thụy Sĩ nhưng anh chàng xây được cả một căn nhà ở quê, điều phối kiến trúc, xây dựng qua điện thoại ác liệt. Thỉnh thoảng chàng trai còn mở bản thiết kế khoe tôi, hỏi ý kiến các kiểu ra trò. Anh bảo tôi là bọn KTS chúng mày vẽ thì đẹp đấy nhưng mà thợ nó không làm được, tao toàn phải bày lại cách cho thợ. Tôi rất nể. Có lần anh bạn Luis của tôi (học trò cưng của Alvaro Siza) hỏi tôi rằng từ hồi làm việc ở Thụy Sĩ mày có ấn tượng bởi công trình nào nhất thì tôi nói với anh là tôi ấn tượng với cái nhà của thanh niên chồng kia nhất, nó ấn tượng theo một cách rất riêng – giống như cuộc đời anh ta.

Thời gian qua đi, tôi biết cuộc sống của hai vợ chồng ấy không hoàn toàn bằng phẳng, có lần đang đêm chị vợ gõ cửa phòng tôi bảo tý nữa nếu bọn tao cãi nhau căng quá thì phiền mày gọi cảnh sát nhé. Có những lúc họ tranh cãi kịch liệt, nhưng có những khi tôi thấy cả gia đình ôm nhau đứng ngoài ban công trong ánh chiều tà nom rất bình yên. Đó là bức tranh đáng xem của cuộc sống gia đình, khổ hạnh thăng trầm, muôn màu muôn vẻ.

Tôi rời khỏi căn nhà trọ ấy để chuyển đến một nơi khác thoải mái hơn. Trước khi rời đi thanh niên chồng nấu cho tôi một hộp to cơm rang truyền thống làm quà. Anh bảo tôi rằng mày rất đặc biệt Quang ạ, tao thấy mày đọc sách và mơ mộng nhiều, dù sao thì cũng cứ tiếp tục tin tưởng vào những điều mày đang làm nhé. Tôi tự so sánh cuộc đời bình thường của mình với anh thì không biết ai mới mơ mộng hơn ai.

Bẵng đi mấy năm, hôm qua tôi thấy chị vợ báo tin anh chồng vừa chết. Tôi gửi lời chia buồn nhưng không tiện hỏi kĩ vì đang việc tang gia nhà người ta. Tôi biết là đôi vợ chồng cũng đã li thân vài năm. Thanh niên chồng, người bạn của tôi, có thể đã dừng chân ở một chặng đường nào đó trong cuộc đời vốn đầy sóng gió của riêng anh. Có một lần tôi thấy anh ngồi khóc trong phòng khách, nước mặt dàn dụa, thanh niên bảo tôi rằng anh rất muốn về nước để giết chết cái kẻ đã giết anh trai anh. Anh đau khổ khi không thể làm được, bởi việc làm ấy cũng sẽ biến anh trở thành đúng loại người mà anh căm ghét. Về sau này mỗi khi nghĩ về anh, tôi cảm thấy anh ấy là kẻ đầy mơ mộng và cũng là một trong những con người tốt đẹp mà tôi từng gặp trong đời. Đó là một chàng trai biết bông đùa và cũng biết rơi nước mắt.

Mong cho linh hồn anh được yên nghỉ nơi quê nhà, nơi có bờ biển dập dềnh sóng vỗ.

Ảnh: một bản vẽ tay tôi vẽ tặng gia đình trên trong lần đi ăn chung vào năm 2013.

#XND Le Quang
Link gốc: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10222216448498015&set=a.3412393386462&type=3&theater

1 comment on “MỘT KẺ MỘNG MƠ.

  1. TT says:

    Một kẻ mộng mơ đang đau buồn trước mảnh đời của một kẻ mộng mơ khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *