Vợ anh nhận được gì anh lính ơi?
Từ Praha – đô thành cổ kính?
Cô có chiếc giày cao gót Praha
Một lời chào cùng với giày cao gót
Em đã nhận được điều như thế của Praha
Vợ anh nhận được gì anh lính ơi?
Từ Vác-xa-va trong xanh dòng Vittuyn?
Cô có chiếc áo sơ mi lụa
Đẹp thay, một chiếc áo Ba Lan
Em có nó, ánh lên như nước dòng sông.
Vợ anh nhận được gì anh lính ơi?
Từ Ốt-xơ-lô trên eo biển Na-uy?
Ôi Na-uy!, áo choàng lông thú
Mong em thích nó, chiếc cổ áo lông mềm.
Đấy là những gì em được từ Ốt-xơ-lô
Vợ anh nhận được gì anh lính ơi?
Từ Rốt-tơ-đam châu thành giàu có?
Cô ấy nhận được chiếc mũ Rốt-tơ-đam.
Nàng đội vừa thay chiếc mủ nhỏ.
Đấy là quà của Rốt-tơ-đam Vợ anh nhận được gì anh lính ơi?
Từ Bruc-xen ở nơi đất Bỉ?
Nàng nhận được chiếc lắc tay nạm ngọc.
Ôi điều ấy thật hiếm có biết bao
Em có nó từ nơi đất khách.
Vợ anh nhận được gì anh lính ơi?
Từ Pa-ri thủ đô ánh sáng?
Từ Pa-ri, nàng nhận chiếc váy xinh lụa trắng.
Chị láng giềng phát ghen với tà váy em nâng.
Đấy là quà từ thành phố Pa-ri
Vợ anh nhận được gì anh lính ơi.
Từ Tri-pô-li trên đất xứ Li-bi
Tri-pô-li, chiếc dây chuyền rất đẹp.
Tỉ mỉ vô cùng, như vòng dây hộ mệnh.
Em đeo nó, quà của Tri-pô-li.
Đến hôm nay, vợ anh, cô ấy nhận được gì?
Từ đất của người Nga, nơi miền viễn xứ?
Em nhận được chiếc khăn xô trắng.
Trong đám đưa tang, bức màn góa phụ.
Còn lại đấy cho em, từ nước Nga lạnh lẽo xa xôi.
Thơ trữ tình Bertolt Brecht (1942) – tôi mạn phép dịch lại tiếng Việt dựa trên bản tiếng Anh.
Bertolt Brecht – Nhà thơ xuất chúng theo chủ nghĩa xét lại của Đông Đức. Thơ của ông được dán mác phản động trong một thời gian dài. Sự xuất chúng của một nhà thơ không phải nằm ở chỗ ‘‘hiện đại‘‘ hay ‚‘‘cổ điển‘‘, leo lẻo tuyên giáo hay nhọc nhằn khổ hạnh, mà là ở chỗ chỉ biết trung thực với lòng mình.
Người Đọc thơ chắc phải rơi nước mắt nhưng bạn đọc nước ngoài có lẽ chưa biết rằng người vợ được nhắc đến là vợ của anh lính phát xít Đức. Có Tám địa điểm được nhắc đến trong bài là Praha, Warsaw, Oslo, Rotterdam, Brüssel, Paris, Tripolis và Nga. Đây là những địa điểm mà Đức đã tấn công chiếm đóng trong giai đoạn từ tháng 3 năm 1939 cho đến giữa 1941 (Thế Chiến II) . Trong phần lớn các khổ thơ, người vợ nhận được những món quà, đó là những gì mà chồng cô cùng nhiều người lính Quốc xã khác đã lấy đi từ những thành phố nước ngoài. Ở mỗi khổ, câu thứ 4 thường nói đến niềm vui giản đơn của người nhận quà, người chiếm hữu. Câu thứ 5 lặp đi lặp lại ‚‘‘She got it from..‘‘ (Nàng có được nó từ ..)
Khổ thứ Tám, xuất hiện bất ngờ bằng cách đảo nhịp thơ. Tấm màn che góa phụ – cũng là một loại quần áo, cũng là ‘‘chiến lợi phẩm‘‘ như ở bảy khổ trước đó, nhưng vừa là ẩn dụ cay đắng về cái chết của người chồng.
Khổ thứ Tám, xuất hiện bất ngờ bằng cách đảo nhịp thơ. Tấm màn che góa phụ – cũng là một loại quần áo, cũng là ‘‘chiến lợi phẩm‘‘ như ở bảy khổ trước đó, nhưng vừa là ẩn dụ cay đắng về cái chết của người chồng. Cái chết này, không được chỉ mặt đặt tên nhưng nó dường như là cái giá cuối cùng của tất cả những gì người vợ nhận lại. Cái Bi kịch trong thơ là ở chỗ nó chạm đến đức hạnh của con người trước sự thật trần trụi của chiến tranh. Một cô gái Ba Lan hay một người vợ Pháp đọc lên cũng thấy xót xa. Cần lưu ý rằng, Bertolt Brecht đã viết ra những lời này trên cơ sở là một người Đức (chứ không phải là người Nga hay Ba Lan), đó cũng là lí do vì sao ông phải sống lưu vong ở nước ngoài. Khốn khổ thay, một đời người mà kinh qua đến hai lần ‘‘xét lại‘‘, xét lại Chủ nghĩa Phát xít và xét lại Chủ nghĩa Xã hội Đông Đức. Bi kịch về hệ tư tưởng giày vò đã tạo nên một nhà thơ xuất chúng. Xuất chúng là ở chỗ biết rằng bị cấm đoán mà vẫn cứ nói để không thẹn với lòng mình.
Thơ được xuất bản trong tờ ‘‘Nước Đức tự do‘‘ vào tháng 3 năm 1942, trở nên nổi tiếng, được đưa vào cả nhạc kịch. Phương pháp chính trong thơ là ôm vần với nhịp điệu rất khó xác định. Có nhiều cách dịch bài thơ ra các ngôn ngữ khác nhau, các bản dịch đều đạt được thành công nhất định bởi vì bản gốc của nó rất đơn giản, chủ yếu dựa trên sự tương phản trong khổ từ 1-7 và khổ thứ 8, giữa Geschenke/Witwenschleier (món quà – góa phụ).
Vì rất thích bài thơ này nên tôi cũng mạn phép đưa ra một bản dịch (dựa trên bản tiếng Anh) như vậy. Tôi có chủ ý đưa vào dấu chấm hỏi ở câu 1-2 ở mỗi khổ với mong mỏi làm nó gần gũi với tiếng Việt của chúng ta hơn. Hiển nhiên có thể chưa hợp và chắc chắn vẫn có nhiều thiếu sót.
Thơ ca là thế, phải là cái tỏa sáng trong tăm tối, là ngọn lửa của kẻ hành khất dò dẫm trong đêm đen, là tình yêu đối với những trái tim chai sạn. Để đọc nó, ai đọc cũng được. Nhưng để nói về nó, cũng cần chút ít kiến thức ngành ngang chứ e khó là cứ nói vung vít lên cho xuôi tai được. Ví dụ như ở bài thơ trên, nếu chưa biết về câu chuyện trong thơ, cái bối cảnh lịch sử của nó thì xem ra đã bỏ qua mất cái hồn hay nhất rồi.
#XND @lequang
Bản dịch Vợ anh nhận được gì anh lính ơi này rất hay ạ. Cho em xin tên bài thơ bản gốc đi ạ. Em search google ko ra. Cảm ơn Odd :))))))
Thanks e, tên gốc của bài thơ là ”Und was bekam des Soldaten Weib?” nguyên gốc tiếng Đức.
Em đã đọc một bản dịch khác từ bác Quang Chiến. Nhưng về góc nhìn và dẫn dắt cảm xúc thì em thích bản dịch của anh hơn, nó không nói chung chung từ góc nhìn của người ngoài cuộc mang cảm xúc đồng cảm. Bản dịch của anh như lời trách cứ từ một người bằng hữu nhưng không cùng chí hướng của anh lính. Trong đám tang không linh cữu của bạn mình mà tha thiết hỏi người lính rằng: Cái giá phải trả cho dục vọng chiếm hữu là mạng sống của chính anh và hạnh phúc của vợ anh liệu có đáng không?