KẾT THÚC CHIẾN TRANH

Có ”thắng lợi” nào lớn hơn ”Chiến tranh kết thúc” không?

Mỗi khi đọc sách lịch sử của các NXB lớn của phương Tây về chiến tranh TGII, tôi thấy họ hay hành văn như thế này: ”Nhờ vào chiến dịch ABC mà chiến tranh kết thúc sớm khoảng 10 năm”.

Các tài liệu lịch sử để đảm bảo khách quan, người ta khó có thể viết theo kiểu ta ta – địch địch. ”Ta thắng – địch thua”. ”Ta rút lui chiến thuật” còn ”địch bỏ chạy”. ”Ta cầm cự anh dũng” còn ”địch chống trả điên cuồng” … vân vân. Không có cuộc chiến tranh nào chỉ có một bên đánh và một bên chịu trận cả. Đôi bên cùng phải nỗ lực cho mục đích của mình. Người lính trên sa trường lấy sự trung thành làm đạo. Đấy là chiến đạo, bôi bác chế giễu kẻ thù chẳng khác nào tự dìm mình xuống bùn đen. ”Anh dũng” là ở chỗ ”cúc cung tận tụy – đến chết mới thôi”. ”Tài giỏi” hơn thua nhau cũng là ở chỗ ”giết” được nhiều địch, ”người tốt” cũng giết người mà ”kẻ xấu” cũng giết người. Người lính trên chiến trường, ai cũng phải bắn giết. Chiến đạo lấy chém giết làm trung tâm, tàn nhẫn như vậy.

Chính nghĩa hay Phi nghĩa chỉ là tương đối bởi vì phía sau bất kì người lính nào cũng có đồng đội, gia đình, vợ con, làng mạc phải bảo vệ. Nếu bạn yêu thích văn chương, hãy đọc những tác phẩm kiệt xuất viết về những người lính phát xít, bạn sẽ hiểu.

Vì thế mỗi khi bình luận về những ”thắng lợi”, người viết sử tùy vào thời điểm, hoàn cảnh, có thể lựa chọn cách tiếp cận như các học giả phương Tây. Ví dụ: ”chiến dịch Okinawa là bàn đạp để cho Hoa Kì kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương” hay ”mặc dù có hơn 150.000 thường dân phải chết, nhưng chiến tranh nhờ đó đã không phải kéo dài thêm một phút nào, đế quốc Nhật Bản đã đầu hàng”. Trong một sách khác :” Việc tạo ra máy tính điện tử của Alan Turing đã giúp các hoạt động tình báo của phe đồng minh hiệu quả hơn, người ta nhận định rằng nhờ có nó mà chiến tranh kết thúc sớm 10 năm”.

Như vậy, trên sách vở, chiến tranh là đau thương. Học giả coi việc kết thúc nó sớm được ngày nào hay ngày đó. Hiển nhiên, chiến tranh có thể kết thúc bằng một hiệp ước, một thỏa thuận đình chiến, một bên đầu hàng hoặc như một đòn kết liễu tàn nhẫn.

Quả bom nguyên tử ở Hiroshima là một ví dụ, mấy trăm nghìn người vong mạng nhưng không có nó thì chiến tranh có chấm dứt ngay được không? Hà Nội có thừa cơ cướp chính quyền được không? Ngày 2-9 có còn là ngày khai sinh ra nước Việt Nam DCCH nữa không? không có quả bom nguyên tử ấy thì TG có được yên ổn tạm thời gần 80 năm qua không?. Thế có thể gọi là lấy mạng đổi mạng không? Hiển nhiên không. Các quyết định thời chiến, đều là nhẫn tâm, cứu được người này thì hàng triệu người khác phải bước vào tuyệt địa, cứu được gia đình này thì hàng trăm gia đình khác phải lênh trên đại dương. Thắng thua chỉ là tương đối, chiến tranh kết thúc là kết thúc cho cả đôi bên. Hay là muốn chiến thắng cả đời cả kiếp? muốn thế thì phải bắn giết cả đời.

Ngày ”chiến thắng phát xít Đức” vẫn được nhắc đến ở nhiều nơi. Người dân Baltic vẫn kỉ niệm ngày ”chiến thắng và đánh đuổi Chủ Nghĩa Xã Hội ra khỏi biên giới”. Thời gian trôi qua, để cho thế hệ trẻ tiếp cận lịch sử khách quan thì họ gói lại thành ”Kỉ niệm ngày kết thúc chiến tranh”.

Hành văn trong các tài liệu nghiên cứu có tác động lớn đến thái độ của người đọc đối với các cuộc chiến tranh, bao gồm cả các cuộc nội chiến mà người trong cùng một đất nước phải coi nhau là kẻ thù. Có ”thắng lợi” nào lớn hơn ”Kết thúc chiến tranh” không?

Ảnh: Bìa sách ”Cuộc chiến tranh kết thúc tất cả các cuộc chiến” – viết về chiến tranh Thế giới I.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *