Trong con mắt những người sinh ra và lớn lên ở đây, Hà Nội là một thành phố rất đỗi bình thường. Nhưng với những người khách phương Tây, Hà Nội lại là một nơi rất đặc biệt, đặc biệt đến bất thường. Những con phố quanh co, những mái nhà cao thấp. Một thành phố ngổn ngang nhưng tràn trề sức sống. Giờ Hà Nội đã rộng mở rộng nhiều, hàng trăm khu đô thị to đẹp, hiện đại mới xây. Nhưng 36 phố phường vẫn là một trải nghiệm gì đó rất khác, không thể thay thế. Hà Nội giống như một ngôi làng lớn mà người ta có thể bắt gặp mọi thứ ven đường, trên vỉa hè. Ăn quán vỉa hè, tán gẫu trà đá vỉa hè, ngược xuôi vỉa hè tất tả bán mua, thong dong vỉa hè tản bộ hay ngả lưng chợp mắt ngon lành trên yên xe máy ngay vỉa hè ngã tư đường. Vỉa hè là chợ, vỉa hè cũng là nhà, vỉa hè là cuộc sống.
Trong tập này này, các bạn hãy cùng kiến trúc sư Lê Quang và podcast host khám phá những góc khuất của nền kinh tế vỉa hè – một nền kinh tế hiếm khi được gọi tên nhưng mang tới sinh kế cho hàng triệu người Việt Nam. Sử dụng scaffolding model – mô hình giàn giáo phi tập quyền – anh Quang đã giải thích sự ra đời và vận động của mô hình nhà ống phố cổ và một hậu duệ sau này của nó là hệ thống các nhà tập thể cũ như Kim Liên, Thành Công trong tương quan so sánh với những mô hình tương tự ở Ý, Nhật hay Hồng Kông.
Khi Việt Nam bắt đầu Đổi mới, mở cửa năm 1986, kinh tế tư nhân, cá thể sau bao năm bị kìm hãm được giải phóng. Vỉa hè trở thành sân khấu cho cuộc lột xác vĩ đại của đất nước. Sau một đêm, mỗi căn nhà mặt phố trở thành một cửa hàng, mỗi dãy phố trở thành một trung tâm thương mại. Mỗi người trong xã hội, dù giàu hay nghèo đều có một vị trí trong nền kinh tế vỉa hè ấy. Người giàu có cửa hàng to, mặt phố lớn. Người trung lưu có cửa hàng nhỏ hơn hoặc có quầy hàng trong chợ. Người nghèo đi làm thuê hoặc bán hàng rong. Xã hội cũng như kiến trúc, không có một sự quy hoạch “từ trên xuống” nào cả. Cả con người và những con phố cùng nhau quay vòng trong vòng xoáy thử và sai.
Xe máy là người bạn đồng hành, là người anh em chí cốt không thể tách rời của vỉa hè. Xe máy và vỉa hè trở thành cặp bài trùng mang lại sự tiện lợi đến mức cám dỗ hiếm ai thoát được. Ra chợ mua hai nghìn hành cũng phải đi xe máy. Không ai đi ô tô để trải nghiệm 36 phố phường. Điều đó là tốt hay xấu, khó mà khẳng định. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn, đây là một nét văn hóa rất khác biệt so với phần đông các thành phố lớn khác trên thế giới. Ở Sài Gòn hay Hà Nội, không phải chúng ta đi ăn trưa mà bữa trưa tìm đến với chúng ta, theo nghĩa đen. Ngồi trên vỉa hè, những gánh hàng rong sẽ lần lượt đi qua để chúng ta lựa chọn. Ẩm thực đường phố Việt Nam rất đa dạng, rẻ và tiện lợi (dù vệ sinh an toàn thực phẩm thì đáng ngại). Nó còn là một phần bản sắc, một phần hồn của đô thị. Nó khiến cho thành phố sinh động, người hơn khi so với những thành phố khác chỉ gồm toàn những khu đô thị cao tầng được quy hoạch bài bản.
Nói rộng ra, những thành phố toàn cầu như London hay Tokyo được quy hoạch và xây dựng theo một định hướng khác, phục vụ những nhu cầu khác. Hà Nội hay TP. HCM, với tất cả sự ngổn ngang, bất ổn của mình, có những nét quyến rũ rất riêng, được hình thành để phục vụ những nhu cầu rất riêng, rất Việt Nam, không thể sao chép. Trong chục năm trở lại đây, khi mô hình nhà ống – xe máy – vỉa hè không còn đáp ứng đủ cho nhu cầu tăng dân số ngày càng cao, Hà Nội và TP. HCM đều đã phải chuyển đổi sang mô hình chung cư – khu đô thị thậm chí đại đô thị. Bản sắc của thành phố bị pha loãng đi nhiều. Rất nhiều người đứng trước sự lựa chọn: bám trụ vỉa hè hay chuyển lên chung cư. Đó không chỉ đơn thuần là quyết định về chỗ ở mà còn là sự lựa chọn về lối sống (way of life) và sinh kế (livelihood). Nói một cách khác, đó là một sự lựa chọn mang tính chất định hình căn tính (identity) của mỗi người và cả các thế hệ sau họ.
Đại dịch Covid-19 khiến cả thế giới lao đao, Hà Nội hay Sài Gòn cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Gần một tháng cách li xã hội, hầu hết mọi hoạt động buôn bán tạm nghỉ, người dân tạm trú trong nhà tránh dịch. Đường phố thường ngày nô nức ngựa xe, nay hiu quạnh như sông Hồng mùa cạn nước. Kinh tế Việt Nam đứng trước thử thách lớn nhất từ thời kì Đổi mới: khủng hoảng kép do dịch bệnh: vừa khủng hoảng đầu vào do tắc nghẽn nguyên liệu sản xuất từ Trung Quốc và Hàn Quốc vừa khủng hoảng đầu ra do các nước Âu Mĩ cách li xã hội giảm tiêu dùng. Nhìn lại quá khứ, ngay cả thời điểm đen tối nhất của khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008, tỉ lệ thất nghiệp chính thức của Việt Nam cũng chỉ ở mức thấp 4.65% do nhiều người mất việc ở khu vực kinh tế chính thức đã quay về quê làm nông nghiệp hoặc lao ra vỉa hè mưu sinh. Kinh tế vỉa hè đã trở thành phao cứu sinh cho hàng triệu người trong những giờ phút khó khăn nhất. Nhưng trong đợt khủng hoảng này, khi cách li xã hội đã giúp chặn đứng đà lây lan của virus, nhưng cũng đồng thời chặn đứng nhịp thở của nền kinh tế vỉa hè. Chúng ta không biết kịch bản nào sẽ dành cho hàng triệu người vẫn đang hàng ngày hàng giờ bám trụ vỉa hè.
@qtien