NGHIỆP VỤ THƯ VIỆN VÀ ẢO TƯỞNG BỐN CHẤM KHÔNG

Một thư viện đẹp, cổ kính, sang trọng và đắt tiền như trong ảnh, trên thực tế nó chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi.

Lâu lâu mình mới ngồi làm việc trong thư viện. Mình có thẻ thành viên của một thư viện khá xịn (hình trong ảnh) thư viện được cải tạo từ một nhà hành chính cũ, phần không gian mới được khoét vào bên trong tòa nhà cũ xây bằng đá tạo ra một atrium lớn và làm việc như lõi truyền sáng gián tiếp. Vây quanh atrium đó là các sàn thoải dần xuống dạng đấu trường cho đến tầng hai nơi mà kín toàn sàn và được sử dụng làm không gian đọc và làm việc lớn.

Thư viện này không phải là loại thư viện đại chúng, nó thiên về thư viện tra cứu hơn. Không gian im ắng, người đi lại nhẹ nhàng, nói khẽ, cười duyên, tránh giao tiếp bằng mắt với nhau. Tầng một thì là không gian lounge, xét về độ xịn thì nó xịn hơn tất cả các khách sạn 5 sao ở Berlin mà mình từng có dịp vào xem. Thư viện này có 1 cái rất hay là đi vào vệ sinh thì người dùng không cần phải chạm vào bất cứ vật trung gian nào như tay nắm cửa, nút bấm dội nước hay là khăn lau tay, mọi thứ được tự động hóa, chắc vì người ta sợ tay bẩn sờ vào hỏng sách thôi chứ gớm, bệnh viện cũng chẳng sạch được đến thế. Mình có chỗ ngồi trên tầng 3, khu vực ban công, với bàn ghế, giá sách cá nhân, tủ đựng vài thứ linh tinh, giấy bút. Ngồi từ đây nhìn xuống thì rất đẹp, cũng có thể nhìn ra thành phố qua mặt đứng kính ở sau lưng nữa. Công trình được cải tạo bởi một KTS nổi tiếng về nhà bảo tàng. Chính vì thế đôi khi ta nói thư viện là bảo tàng sách là vì vậy. Nhìn chung đây là một thư viện đẹp.

Về vận hành, cũng giống như thư viện ở Thụy Sĩ hay bên Mỹ, thư viện này có kết nối với một hệ thống dữ liệu rất lớn, qua các cấp khác nhau, toàn Đức, toàn châu Âu, toàn TG. Nhờ khả năng kết nối đó mà các thư viện thuộc hệ thống có thể tối ưu hóa lưu trữ, tra cứu. Sách vở được luân chuyển luyên tục qua các cơ sở và giảm được diện tích kho sách. Người dùng chỉ cần yêu cầu thì 1-2 hôm sau là sách đã được chuyển thẳng về bàn làm việc rồi, rất tiện. Dạo này có dịp làm việc trong một đồ án cá nhân ở bên Áo nên mình vào thư viện tìm một số bản đồ cũ của thành phố đó (tìm được ở thư viện này dễ hơn bên Áo). Vừa xem bản đồ vừa gọi skype cho thằng cu sinh viên thực tập đang có mặt ở thực địa để đối chiếu. Chính cậu sinh viên đã bày cho mình cách này vì nó tin rằng thư viện kể trên có cơ sở dữ liệu rất lớn. Đấy, đến ông sinh viên trên núi còn thạo lưu trữ đến thế.

Làm việc xong, lúc dọn dẹp đồ dùng mình nhớ đến những thư viện ở Việt Nam mình từng đi. Cũng giống như bảo tàng, nhà hát, Việt Nam có đầy tiền để xây dựng các công trình này (và thường là xây đắt hơn Tây quăng từ 2-10 lần). Nhìn vào các tháp chọc trời ở Hà Nội, Sài Gòn, ta có thể khẳng định Việt Nam thừa sức xây thư viện đẹp. Tuy nhiên hầu hết các thư viện đều được xây dựng mà thiếu vắng sự tham gia tư vấn của các cán bộ thư viện chuyên nghiệp. Quyết định xây thư viện thường là ý định (hoặc ý thích) chủ quan của giới lãnh đạo, thông qua các hiến kế ‘’trung gian’’ đầy tiêu cực, dẫn đến tình trạng lãng phí và kém hiệu quả.

Ở Việt Nam, có một nhận thức rất sai lầm ở công tác Nghiệp vụ thư viện. Đó là tất cả mọi người đều đánh giá quá thấp hoạt động này và cho rằng mình không liên quan. Trên thực tế, nghiệp vụ thư viện là thứ mà mọi người đều cần phải biết và thành thạo trong hoạt động lao động, sáng tạo ngày nay

Đối với một doanh nghiệp, nó là sự sắp xếp, phân loại các loại giấy tờ, sổ sách, các đầu việc, các tài nguyên đã qua sử dụng ở dự án cũ hoặc mới. Mình đã từng chứng kiến tận mắt cách thức làm việc của một số công ty truyền thông, báo chí, quản lý của VN mà được coi là sáng tạo, có nhiều người trẻ và ”cấp tiến”. Qua quan sát, thấy rằng đa phần kiến thức nghiệp vụ thư viện đều rất yếu, tài liệu để rải rác khắp nơi, lẫn lộn, không có ngày tháng, không có số hồ sơ, các ấn phẩm trình bày kém hoa học, khó đánh giá và thẩm định, điều này xảy ra ở mọi định dạng từ định dạng in cho đến định dạng số hóa, video, ảnh, nhạc, phim, vân vân. Mỗi lần người làm việc tra cứu tài liệu để lấy thông tin, dẫn nguồn đều rơi vào bế tắc vì ‘’không tìm được’’. Mặc dù các cơ quan này đều có trang bị máy tính và các hệ thống tìm kiếm hiện đại nhưng thực tế là người ta không có nguồn lưu trữ nên cuối cùng thiết bị trở nên vô dụng. Đi đến các trường ĐH, thực sự nghiệp vụ thư viện của sinh viên rất kém, đa phần không quản lý được tài liệu của chính mình, ngày làm việc, các phiên bản làm việc, các bản thảo, các buổi thảo luận, các định dạng tài liệu đều không thống nhất (cái này chính mình từng bị – nhưng là cách đây hơn chục năm). Việc đặt tên tài liệu và phân mục thì chắc là phải đợi đến lúc đi làm, may ra chỗ làm sẽ đào tạo các em, và họ đào tạo theo cách thức được kể ra ngay ở bên trên. Trên đời này không bao giờ có một nền GD nào có thể phát triển mà thiếu vắng nghiệp vụ thư viện cả.

Việc đánh giá thấp nghiệp vụ thư viện đã tạo ra sự ngô nghê trong quy cách làm việc và hoạt động thực tiễn. Người ta rụt rè trước những giải pháp mà có thể người khác đã nghĩ ra từ cách đây 500 năm, một số người thì lại mạnh dạn đến mức tạo ra những ‘’khái niệm’’ nghe rất sang mồm mà không biết rằng những khái niệm đó đều đã được định nghĩa ra bằng những từ ngữ cụ thể từ cách đây cả thế kỉ. Từng có những KTS có tiếng ở VN khi đi trình bày ở nước ngoài đã sử dụng những thuật ngữ mà Tây quăng tròn mắt không hiểu gì cũng bởi những khó khăn về tra cứu kể trên.

Hệ thống cơ sở dữ liệu là vậy, nó phải được chủ động thực hiện từ cá nhân tới tập thể, cho đến các cơ quan quản lý, bất kể độ tuổi hay vai trò trong xã hội. Đừng hi vọng các cơ quan quản lý sẽ làm tất cả, vì lực lượng của họ luôn luôn thiếu cả chất và lượng. Chính vì thế, việc xây dựng những thư viện (hoặc bảo tàng, nhà hát) to lớn với hạ tầng cơ sở hào nhoáng khắp nơi ở Việt Nam, thực chất đó chỉ là những ‘’tòa nhà’’ chứ chưa phải là trung tâm tri thức, học tập. Cũng may là thư viện chưa bao giờ được lãnh đạo ta ưu ái như bảo tàng, nhà hát hay tượng đài, không thì còn ”chết” nữa. Mặc dù có rất nhiều tác phẩm, ấn phẩm khoa học của người VN trở nên nổi tiếng trên TG nhưng chắc chắn là không bao giờ tìm được ở các thư viện trong nước. Bằng hệ thống kiểm duyệt (censorship) thì hệ thống lưu trữ cũng thu hẹp lại rất đáng kể. Người VN thường hay tự than thở với nhau là mình đọc ít sách nhưng thực tế cũng có khi là làm gì có sách mà đọc.

Thư viện ngày nay nên được hiểu là một đối tượng cơ động như một chiếc máy tính, một điện thoại smartphone. Rõ ràng ai cũng có thể sở hữu, từ người bán rong vỉa hè cho đến học sinh, sinh viên, tiến sĩ, giáo sư… nhưng khai thác nó được đến đâu, truy cập được đến tầng cơ sở dữ liệu nào thì lại hoàn toàn phụ thuộc vào kĩ năng của người sử dụng máy và cái hệ thống mà thiết bị đó được kết nối.

Một thư viện đẹp, cổ kính, sang trọng và đắt tiền như trong ảnh, trên thực tế nó chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi. Ẩn phía dưới nó là sự tích lũy, vốn liếng tri thức hàng thế kỉ được nâng niu trân trọng, bảo vệ dưới những chế độ tốt nhất về chất lượng và ngặt nghèo nhất về quy trình. Tất cả đều là công sức của những người có nghiệp vụ thư viện. Nhìn chung chúng ta nên tạm quên đi những ảo tưởng 4.0 hay gì đó cao siêu, hãy tập trung vào những nghiệp vụ căn bản nhất mà chúng ta đã tụt hậu hàng thế kỉ.

#XNDLe Quang
Ảnh: Ảnh mình chụp từ chỗ ngồi của mình tại thư viện TP Berlin. — in Berlin, Germany.

1 comment on “NGHIỆP VỤ THƯ VIỆN VÀ ẢO TƯỞNG BỐN CHẤM KHÔNG

  1. Ngọc Quí Cao says:

    Sau khi đọc bài viết của tác giả, em đã nhận ra được vấn đề cho câu hỏi của mình. Nói về bản thân em một chút, em hiện đang làm trong cơ quan nhà nước và mới chỉ đi làm được 1 năm. Khi đi làm thì em nhận thấy vấn đề rất lớn trong cách quản lý và lưu trữ dữ liệu, cụ thể việc quản lý và lưu trữ này nhằm phục vụ cho việc tìm kiếm và báo cáo số liệu định kỳ. Em nhận thấy bản thân đang gặp khó khăn khi dữ liệu còn lưu trữ rời rạc và manh mún. Em cung có mục tiêu tạo nên một cơ sở dữ liệu nhỏ cho cá nhân em và hướng tới việc mở rộng nó, tác giả có thể giới thiệu cho em về các công cụ, phương pháp và cách thức sắp xếp mà em được hiểu trong bài viết này là nghiệp vụ thư việc được không ạ?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *