XÃ HỘI PANOPTICON

Sự cô lập thành phố Vũ Hán như tôi đã từng trình bày nhanh ở một bài viết ngắn trước đây về bản chất cũng chính là sử dụng Panopticon ở quy mô lớn…

Cách đây 3 năm trong một buổi làm việc giữa trường ETH và 2 nhà quản lý của UNHRC về tổng mặt bằng masterplan mà tôi đề xuất cho một khu tị nạn, lần đó tôi có nhắc đến chế độ panopticon.

Lúc ấy tôi nhớ là cô Samira-Giáo sư thuộc khoa Lịch sử Kiến trúc có phản ứng khá quyết liệt. Cô cho rằng panopticon là quá khắc nghiệt đối với con người. Ở đây giải thích nhanh rằng panopticon là phương pháp tổ chức không gian hướng tâm, nó thường được áp dụng cho chế độ giám sát trong kiến trúc nhà tù. Panopticon là cách tổ chức không gian để tạo nên sự trấn áp về tinh thần lên người sử dụng. Có nghĩa là người tù luôn có cảm giác bị giám sát, bị quan sát, dù rằng có thể không ai thực sự quan sát họ. Trong các nhà tù, ta thấy rõ điều đó, buồng giam luôn sáng và tháp canh luôn tối.

Sự cô lập thành phố Vũ Hán như tôi đã từng trình bày nhanh ở một bài viết ngắn trước đây về bản chất cũng chính là sử dụng Panopticon ở quy mô lớn.

Trở lại với buổi thảo luận 3 năm trước, nhìn chung khoa Lịch sử KT của ETH (khoa được coi là có chuyên môn hàn lâm giỏi nhất TG ở lĩnh vực này) đã phản đối áp dụng panopticon vì 1 lý do đơn giản là người tị nạn không phải tù nhân. Họ cho rằng việc đảm bảo quyền con người là quan trọng hơn đảm bảo an ninh trật tự vì khi quyền con người được bảo vệ thì các cộng đồng mới là cộng đồng “người”. Khái niệm “người” là rào cản lớn nhất giữa một người và một con thú hay một cộng đồng dân thường và một cộng đồng hung bạo.

Hiển nhiên, cuộc tranh luận kéo dài, cá nhân tôi lúc đó cho rằng sự áp đặt Panopticon lên một cộng đồng trong tình huống khẩn cấp là cần thiết bởi vì nó tạo ra trật tự trị an cưỡng bức; điều mà cho đến nay tôi tự nhận thấy rằng luôn luôn được nhà chức trách TQ nêu ra như một món quà cho cộng đồng.

Cuối thảo luận, cô Samira có nói riêng với tôi rằng mày không thể bảo vệ con người bằng cách tước đoạt quyền làm người của họ, điều đó quá mâu thuẫn. Phải đến bây giờ khi nhìn vào Vũ Hán thì tôi mới thấy rằng những gì mà cô ấy nói là rất đáng suy nghĩ.

Ta không thể vừa cứu một người và cùng một lúc vừa phủ nhận sự tồn tại của chính người đó – như một con người.

Sự cô lập Vũ Hán có lẽ nên được nhìn nhận theo cách ấy. Sự cô lập này là để cứu những người ở bên trong hay để cứu những người ở bên ngoài? Hay nó chẳng cứu bất cứ ai cả ngoài cái niềm tin vào cái trật tự trị an của chính nó?

Điều cuối cùng mà tôi nói với cô Samira là có vấn đề gì không? khi chính cộng đồng ấy đã quen với Panopticon từ trước?. Cô giáo tôi chỉ lắc đầu, tôi biết rằng cô còn cảm thấy kinh tởm với điều tôi nói. Tôi ra về và vẫn làm cái điều mà tôi phải làm.

Người TQ là vậy, họ có thể đã quen với panopticon từ trước, họ vốn dĩ được sinh ra bên trong 1 Panopticon khổng lồ. Tôi thì khác, bây giờ tôi cũng bắt đầu biết hoài nghi vào cái trật tự trị an cưỡng bức mà tôi từng tôn sùng. Mặc dù vậy, phải thừa nhận rằng ngày nay, tất cả mọi người cũng đã luôn sống trong những panopticon kiểu này hay kiểu khác (google là một ví dụ).

#XNDLe Quang

PS: cô giáo tôi, một người gốc Palestine đã trải qua 2 cuộc chiến trước khi trở thành một KTS nghiên cứu xã hội học.

Ảnh:một diagram khá chân thực về Panopticon, bạn có sống trong một thứ như vậy hay không?

1 comment on “XÃ HỘI PANOPTICON

  1. Trang Huyền says:

    Em có follow oddly normal trên spotify từ lâu nhưng 1-2 tháng gần đây mới bắt đầu nghe podcast cùa team và mò đến web để đọc bài. Mấy ngày trước sau khi đọc xong bài này em đã suy ngẫm rất nhiều về xã hội panopticon và em chợt nhận ra sự trấn áp tinh thần một cách vô hình này tồn tại rất nhiều trong cuộc sống. Bài post nào trong blog cũng sẽ có những câu nói kiểu “thức tỉnh” em và hi vọng team sẽ cho ra nhiều bài viết hơn nữa.
    Rất cảm ơn và ngưỡng mộ anh chị vì đã share những câu chuyện, kiến thức của mình đến cộng đồng ^_^

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *