2 B R 0 2 B by Kurt Vonnegut Jr Audiobook

Mọi sự đều vô cùng tốt đẹp.

Không còn nhà tù, không còn khu ổ chuột, không còn trại thương điên, không còn người tàn tật, không còn đói nghèo, không còn chiến tranh.

Tất cả bệnh tật đều đã bị khuất phục. Tuổi già cũng vậy.

Cái chết, ngoại trừ do tai nạn, giờ chỉ còn là sự phiêu lưu, dành riêng cho những người tình nguyện.

Dân số Hoa Kỳ được giữ ổn định ở mức 40 triệu nhân khẩu.

Đó là một buổi sáng đẹp trời tại Bệnh viện Phụ sản Chicago, một người đàn ông tên Edward K. Wehling, Jr., đang ngồi đợi vợ sinh. Anh là người duy nhất đang chờ đợi. Ngày nay, không còn nhiều trẻ em được sinh ra nữa.

Wehling mới 56 tuổi, ở tuổi này, rõ ràng anh chỉ là một chàng thanh niên mới lớn giữa quần thể dân cư có tuổi thọ trung bình là 129.

Phim X-quang cho thấy vợ anh sắp sinh ba. Chúng là những đứa con đầu lòng của hai vợ chồng.

Chàng Wehling trẻ tuổi ngồi co ro trên ghế, mặt úp vào tay. Vẻ mặt anh nhàu nhĩ, bất động và nhợt nhạt đến mức gần như vô hình. Đó là lớp ngụy trang hoàn hảo giữa căn phòng bừa bộn và hiu quạnh. Chiếc ghế và gạt tàn bị đẩy ra giữa phòng. Còn sàn nhà được lát bằng những tấm thảm loang lổ.

Căn phòng đang được trang hoàng lại. Nó đang được trang hoàng để tưởng niệm một người đàn ông đã tình nguyện chết.

Ở góc phòng, một lão họa sĩ khoảng 200 tuổi, thích châm chọc, đang ngồi trên chiếc thang gấp để vẽ một bức bích họa mà chính ông ta cũng chẳng yêu thích gì. Ngày xưa, khi tuổi tác còn làm con người già đi trông thấy, người ta sẽ đoán ông khoảng 35 tuổi. Tuổi tác đã chạm đến lão họa sĩ ở mức đó, trước khi phương thuốc chữa lão hóa được tìm ra.

Bức bích họa mô tả một khu vườn ngăn nắp với những người đàn ông và phụ nữ mặc đồ trắng - các y bác sĩ, đang xới đất, trồng cây non, phun thuốc, bón phân.

Bên cạnh đó, một số người đàn ông và phụ nữ khác, mặc đồng phục tím, đang nhổ cỏ dại, chặt bỏ những cây già cỗi và bệnh tật, cào lá và chuyển rác đến lò đốt.

Chưa bao giờ, chưa bao giờ, chưa bao giờ – ngay cả ở Hà Lan thời trung cổ hay Nhật Bản xưa – lại có một khu vườn nào trang trọng hơn, được chăm sóc kỹ lưỡng hơn thế. Mỗi cái cây đều có đủ đất mùn, ánh sáng, nước, không khí và dưỡng chất mà nó cần.

Một nhân viên hộ lý đi dọc hành lang, khe khẽ ngâm nga một bài ca nổi tiếng:

Nụ hôn ấy, nếu môi em từ khước,

Thì hồn ta tắt lịm, hết vấn vương!

Người đàn bà áo tím, ta sẽ đi tìm

Xin trao nốt cõi đời này, một nụ hôn tiễn biệt

Tình ta đó, nếu em chẳng còn tha thiết,

Thì thế gian này, ta còn chiếm chỗ làm chi?

Thôi, đi nhé! Vĩnh biệt địa cầu già,

Xin nhường chỗ cho mầm xuân mới nhú.

Người hộ lý ngắm nghía bức tranh lẫn người họa sĩ. "Trông thật quá," anh thốt lên, "Tôi tưởng như mình đang đứng giữa bức tranh."

"Cậu chắc cậu không ở trong đó chứ?" người họa sĩ hỏi lại, khẽ nhếch mép cười. "Tôi gọi nó là 'Khu Vườn Hạnh Phúc của Cuộc Sống'”

"Bác sĩ Hitz đẹp quá," người hộ lý nói tiếp.

Anh đang nói tới bóng người mặc đồ trắng, có khuôn mặt là chân dung của bác sĩ Benjamin Hitz, Trưởng khoa Sản của bệnh viện, ông vốn nổi tiếng đẹp trai rạng ngời.

"Chà, tiên sinh còn phải điền nốt vào một cơ số khuôn mặt nữa nhỉ," người hộ lý hỏi. Ý anh ta là khuôn mặt của nhiều nhân vật trong bức tranh tường vẫn còn trống. Tất cả những chỗ trống sẽ được lấp đầy bằng chân dung của những nhân vật quan trọng trong đội ngũ nhân viên bệnh viện hoặc từ Văn phòng Chicago của Cục Chấm Dứt Liên Bang.

"Hẳn là sung sướng lắm, bác nhỉ, khi nét cọ tài hoa có thể lưu giữ được chút hương sắc hữu tình của vạn vật?" người hộ lý nói.

Gương mặt người họa sĩ nhăn lại. "Anh tưởng tôi tự hào lắm với mớ màu mè vụng dại này sao?" giọng ông như nghẹn lại. "Anh nghĩ đây thực sự là tất cả những gì tôi cảm nhận, là cái nhìn của tôi về cuộc đời thực, về cái dòng đời đang cuộn chảy ngoài kia ư?"

"Vậy cuộc sống này là gì, trong con mắt của người nghệ sĩ như bác?" người hộ lý hỏi.

Người họa sĩ run run đưa tay chỉ về phía tấm vải lót sàn nhàu nát, lem luốc. "Kia kìa! Cái hỗn độn, trần trụi kia mới là tuyệt tác về cuộc đời! Cứ lồng khung lại, nó sẽ là tác phẩm chân thật đến xé lòng, mãnh liệt hơn những thứ tô vẽ phù phiếm này gấp vạn lần."

"Bác bi quan quá, thưa bác." người hộ lý nói.

"Bi quan cũng là một tội à?" người họa sĩ hỏi.

Người hộ lý nhún vai. "Nếu bác không thích ở đây nữa, thưa bác —" anh cất tiếng, và kết thúc ý nghĩ với số điện thoại đường dây đặc biệt mà những người không còn muốn sống nữa sẽ gọi tới. Số không được anh phát âm là "naught."

Hãy gọi: "2 B R 0 2 B."

Đó là số điện thoại của một cơ sở với những biệt danh mỹ miều bao gồm: "Chiếc cầu dao," "Tràm chim," "Nhà máy đóng hộp," "Hộp mèo," "Thuốc diệt chấy," "Thanh thản," "Tạm biệt, Mẹ," "Happy Hooligan," "Nụ hôn thần tốc," "Lucky Pierre," "Hố tắm cừu," "Máy xay Waring," "Lệ ngừng tuôn" và "Lo làm gì?"

"Tồn tại hay không tồn tại" chính là số điện thoại của các phòng hơi ngạt phân tán khắp các địa phương, trực thuộc Cục Chấm Dứt Liên Bang.

Người họa sĩ bĩu môi. "Khi tôi quyết định đã đến lúc phải đi," ông nói, "chắc chắn sẽ không phải ở Hố tắm cừu."

"À, vậy ra tiên sinh là một người thích tự lập?" người hộ lý đáp. "Rắc rối đấy, thưa bác. Sao bác không nghĩ một chút cho những người phải dọn dẹp hậu quả?"

Người họa sĩ buông một lời tục tĩu, hiện rõ sự bất cần đối với những phiền toái dành cho những người sống sót sau ông. "Cái cõi đời này ấy à, anh biết nó còn thiếu gì không, nó thiếu nhiều lắm sự lung tung, bừa bộn.”

Người hộ lý cười rồi đi tiếp.

Anh Wehling, người cha đang chờ đợi, cúi đầu lầm bẩm điều gì đó. Rồi anh lại nín bặt.

Một người phụ nữ lực lưỡng hùng hổ sải bước vào phòng chờ trên đôi giày cao gót. Giày, tất, áo khoác ngoài, túi xách và mũ ca-lô của cô đều màu tím, thứ màu tím mà người họa sĩ gọi là "màu của những chùm nho trong Ngày Phán Xét."

Huy hiệu trên chiếc túi vải màu tím của cô là con dấu của Ban Dịch vụ thuộc Cục Chấm Dứt Liên Bang, một con đại bàng đậu trên cánh cửa xoay.

Người phụ nữ có khá nhiều lông mặt – thực tế đó là một bộ ria mép không thể nhầm lẫn. Đó là một điều kỳ lạ về những nữ nhân viên phòng hơi ngạt. Dù có xinh đẹp và nữ tính đến đâu khi mới được tuyển dụng, tất cả họ đều mọc ria mép trong vòng khoảng năm năm.

"Đây có phải là nơi tôi cần đến không?" cô ta hỏi người họa sĩ.

"Còn tùy vào việc của cô là gì," ông nói. "Không phải cô sắp đẻ đấy chứ?"

"Họ bảo tôi phải đến đây làm mẫu cho một bức tranh nào đó," cô nói. "Tên tôi là Leora Duncan." Nói rồi cô dừng lại chờ đợi.

"Vậy là cô 'dunk' (dìm chết) người ta,". (ND: “dunk” phát âm gần giống “Duncan”)

"Cái gì cơ?" cô ta hỏi.

"Bỏ qua đi, không có gì," ông nói.

"Bức tranh đẹp quá," cô nói. "Trông như thể thiên đường hay cái gì đó."

"Là cái gì đó," người họa sĩ đáp gọn lỏn. Ông lấy danh sách tên từ túi áo choàng. "Duncan, Duncan, Duncan," ông nói và lướt qua danh sách. "À – đây rồi. Cô có quyền được bất tử hóa. Ở đây có rất nhiều thân hình chưa có mặt, cô muốn tôi gắn đầu cô vào cái nào? Có vài lựa chọn khá hay ho đấy."

Duncan hờ hững nhìn bức tranh tường. "Trời," cô rít lên, "đối với tôi chúng đều như nhau. Tôi đâu hiểu gì về nghệ thuật đâu."

"Thân hình nào cũng là thân hình, hả?" ông nói. "Được rồi. Với tư cách thầy của đám họa sĩ, tôi đề cử thân hình này." Ông chỉ vào một hình người phụ nữ không mặt đang vác đống củi khô đến lò đốt rác.

"Chà," Leora Duncan đáp, "đó giống công việc của bên xử lý hơn, phải không? Ý tôi là, tôi làm ở bộ phận dịch vụ. Tôi không làm gì liên quan đến xử lý cả."

Người họa sĩ vỗ tay đen đét, cất giọng mỉa mai. "Cô em nói không hiểu gì về nghệ thuật, mà lại thực ra cô em còn tinh tế hơn cả ta! Dĩ nhiên người bê bó củi không hợp với một nữ phục vụ viên! Thợ tỉa cành – chà, đó mới đúng chuyên môn của em." Ông chỉ vào một nhân vật mặc đồ tím đang cưa một cành táo đã chết. "Cô này thì sao?" ông nói. "Cô ưng hơn chứ?"

"Trời ơi—" cô đỏ mặt và hạ giọng khiêm nhường—"vị trí đó—vị trí đó đặt tôi ngay cạnh bác sĩ Hitz."

"Cô em không thích à?" ông hỏi.

"Lạy Chúa, không!" cô ta nói. "Đó—đó là một vinh dự."

"À, cô... cô ngưỡng mộ tay này, phải chứ?" ông nói.

"Ai mà không ngưỡng mộ ông ấy chứ?" cô đáp, mê mẩn ngắm bức chân dung của Hitz. Đó là chân dung của một vị thần Zeus rám nắng, tóc bạc trắng, toàn năng, 240 tuổi. "Ai mà không ngưỡng mộ ông ấy chứ?" cô lặp lại. "Ông ấy là người đã xây nên phòng hơi ngạt đầu tiên ở Chicago."

"Không gì làm tôi vui hơn," người họa sĩ nói, "là được đặt cô cạnh ông ấy mãi mãi. Cưa một cành cây – cô thấy điều đó có phù hợp không?"

"Cũng khá giống việc tôi làm," cô nói, tỏ ra vẻ e lệ về công việc của mình. Công việc của cô là giúp mọi người cảm thấy thoải mái trong khi cô giết họ.

Và, trong khi Leora Duncan đứng làm mẫu cho bức chân dung của mình, chính bác sĩ Hitz bước nhanh vào phòng chờ.

Ông cao 2,1 mét, giọng sang sảng, toát lên vẻ uy quyền và niềm tự hào vui sống.

"Ồ, cô Duncan! Cô Duncan!" ông nói, và pha trò. "Cô làm gì ở đây vậy?" ông nói. "Đây không phải là nơi mọi người rời đi. Đây là nơi họ đến!"

"Anh biết không, chúng ta sẽ cùng xuất hiện trong một bức tranh đấy," cô rụt rè.

"Tuyệt vời quá!" bác sĩ Hitz nồng nhiệt đáp. "Và, này, tranh đẹp quá nhỉ?"

"Tôi thực sự vinh dự được ở trong đó cùng anh," cô nói.

"Phải nói như thế này mới đúng," Hitz nói, "tôi mới là người được vinh dự ở trong đó cùng cô. Không có những người phụ nữ như cô, thế giới tuyệt vời này của chúng ta đâu có tồn tại được."

Ông chào tạm biệt và tiến về phía cánh cửa dẫn đến các phòng sinh. "Đoán xem vừa có gì ra đời," ông nói.

"Tôi không đoán được," cô nói.

"Sinh ba!" ông nói.

"Sinh ba!" cô thốt lên. Sự thảng thốt của cô đến từ những hàm ý pháp lý của việc sinh ba.

Luật pháp quy định rằng không một đứa trẻ sơ sinh nào được phép sống, trừ khi cha mẹ của nó đó tìm được người tình nguyện chết. Sinh ba, nếu muốn tất cả đều sống, cần ba người tình nguyện.

"Cha mẹ chúng đã có ba người tình nguyện chưa?" Leora Duncan hỏi.

"Thông tin mới nhất tôi được biết," bác sĩ Hitz nói, "họ có một, và đang cố gắng tìm thêm hai."

"Chắc họ không tìm được rồi," cô nói. "Không ai đặt ba cuộc hẹn với chúng tôi cả. Hôm nay chỉ toàn là những ca đơn lẻ, trừ khi có ai đó gọi đến sau khi tôi rời đi. Tên là gì vậy?"

"Wehling," người cha đang ngồi đợi cất tiếng. Anh ngồi thẳng dậy, mắt đỏ hoe và tỏ rõ vẻ phờ phạc. "Edward K. Wehling, Jr., là tên của người cha hạnh phúc sắp có con."

Anh giơ tay phải lên, nhìn vào một điểm trên tường, bật ra một tiếng cười khàn khàn, khốn khổ. "Có mặt," anh nói.

"Ồ, anh Wehling," bác sĩ Hitz nói, "tôi không thấy anh."

"Người vô hình," anh Wehling nói.

"Họ vừa gọi báo cho tôi là ba đứa con của anh đã chào đời," bác sĩ Hitz nói. "Tất cả đều khỏe mạnh, mẹ chúng cũng vậy. Tôi đang trên đường vào thăm họ đây."

"Hoan hô," anh Wehling nói một cách trống rỗng.

"Anh có vẻ không vui lắm," bác sĩ Hitz nói.

"Người nào ở vào hoàn cảnh của tôi mà không vui chứ?" Wehling nói. Anh dùng tay làm điệu bộ tượng trưng cho sự đơn giản, vô tư. "Tất cả những gì tôi phải làm là chọn ra một trong ba đứa sẽ sống, sau đó đưa ông ngoại tôi đến Happy Hooligan, rồi quay lại đây với một tờ biên nhận."

Bác sĩ Hitz nghiêm mặt lại, thân hình cao lớn của ông lấn át Wehling.

"Anh không tin vào việc kiểm soát dân số sao, anh Wehling?" ông nói.

"Tuyệt vời quá chứ lại," Wehling căng thẳng đáp.

"Anh có muốn quay lại những ngày xưa tốt đẹp, khi dân số Trái Đất là 20 tỷ – sắp trở thành 40 tỷ, rồi tám mươi tỷ, rồi 160 tỷ không? Anh có biết quả drupelet là gì không, anh Wehling?" Hitz nói.

"Không," Wehling rầu rĩ nói.

"Drupelet, anh Wehling ạ, là một trong những cái núm nhỏ, một trong những hạt nhỏ của quả mâm xôi," bác sĩ Hitz nói. "Nếu không kiểm soát dân số, con người bây giờ sẽ chen chúc trên bề mặt hành tinh già cỗi này như những drupelet trên một quả mâm xôi! Hãy nghĩ mà xem!"

Wehling tiếp tục nhìn chằm chằm vào một điểm trên tường.

"Vào năm 2000," bác sĩ Hitz nói, "trước khi các nhà khoa học can thiệp và đặt ra luật lệ, thậm chí không có đủ nước uống cho mọi người, và không có gì để ăn ngoài rong biển – vậy mà người ta vẫn khăng khăng đòi quyền sinh sản như thỏ rừng. Và quyền của họ, nếu có thể, là được sống mãi mãi."

"Tôi muốn con tôi sống," Wehling rên rỉ. "Tôi muốn cả ba đứa."

"Dĩ nhiên là anh muốn," bác sĩ Hitz nói. "Đó là lẽ thường tình của con người."

"Tôi cũng không muốn ông tôi chết," Wehling nói.

"Có ai vui vẻ đưa người thân đến Hộp mèo bao giờ," bác sĩ Hitz tỏ vẻ nhẹ nhàng và thông cảm.

"Ước gì mọi người đừng gọi nó như thế," Leora Duncan nói.

"Cái gì?" bác sĩ Hitz hỏi.

"Tôi ước đừng ai gọi nó là Hộp mèo, và những cái tên tương tự," cô nói. "Nó gây ấn tượng sai lầm."

"Cô hoàn toàn đúng," bác sĩ Hitz nói. "Thứ lỗi cho tôi." Ông tự sửa mình, gọi các phòng hơi ngạt thành phố bằng tên chính thức của chúng, một cái tên không ai từng dùng trong giao tiếp. "Tôi phải gọi là 'Xưởng Tự Sát Đạo Đức' mới đúng" ông nói.

"Thấy chưa, nghe hay hơn nhiều," Leora Duncan nói.

"Đứa con này của anh – bất kể anh quyết định giữ lại đứa nào, anh Wehling ạ," bác sĩ Hitz nói. "Nó sẽ sống trên một hành tinh hạnh phúc, rộng rãi, sạch sẽ, giàu có, nhờ vào việc kiểm soát dân số. Trong một khu vườn như bức tranh tường kia." Ông lắc đầu. "Hai thế kỷ trước, khi tôi còn trẻ, đó là một địa ngục mà không ai nghĩ có thể kéo dài thêm 20 năm nữa. Bây giờ, hàng thế kỷ hòa bình và sung túc trải dài trước mắt chúng ta, xa đến mức trí tưởng tượng có thể vươn tới."

Ông mỉm cười rạng rỡ.

Nụ cười của ông bỗng tắt ngúm khi thấy Wehling rút ra một khẩu súng lục.

Wehling đã bắn chết bác sĩ Hitz. "Có chỗ cho một người – một người vĩ đại," anh nói.

Rồi anh bắn Leora Duncan. "Chỉ là cái chết thôi mà," anh nói khi cô ngã xuống. "Đấy! Chỗ cho hai người."

Rồi anh tự bắn mình, tạo đủ chỗ cho cả ba đứa bé mới sinh.

Không ai chạy đến. Dường như, không ai, nghe thấy tiếng súng.

Người họa sĩ ngồi trên đỉnh chiếc thang gấp, trầm ngâm nhìn xuống cảnh tượng não nề. Ông bần thần nghĩ ngợi về bài toán bi ai của kiếp nhân sinh: khát khao được sinh ra, và một khi đã sinh ra, lại khát khao được đơm hoa kết trái... được nhân lên và được sống lâu nhất có thể — để làm tất cả những điều đó trên một hành tinh vô cùng nhỏ bé, vốn lại phải tồn tại mãi mãi.

Tất cả những câu trả lời mà người họa sĩ có thể nghĩ ra đều nghiệt ngã. Chắc chắn còn nghiệt ngã hơn cả Hộp mèo, Happy Hooligan, hay Thanh thản. Ông nghĩ đến chiến tranh. Ông nghĩ đến bệnh dịch. Ông nghĩ đến nạn đói.

Ông biết ông sẽ không bao giờ vẽ nữa. Ông thả cây cọ rơi tõm xuống giữa những tấm vải dầu bên dưới. Và rồi ông quyết định mình cũng đã sống quá đủ trong Khu Vườn Hạnh Phúc của Cuộc Sống, và ông từ từ trèo xuống thang.

Nhặt lấy khẩu súng lục của Wehling, ông thực sự muốn chết.

Nhưng ông không đủ can đảm.

Và rồi ông nhìn thấy buồng điện thoại ở góc phòng. Ông bước đến, quay số điện thoại đã thuộc lòng: "2 B R 0 2 B."

"Cục Chấm Dứt Liên Bang," một giọng nữ ấm áp vang lên.

"Tôi có thể đặt lịch hẹn sớm nhất là khi nào?" ông từ tốn hỏi.

"Chúng tôi xếp được lịch cho ông vào cuối buổi chiều nay, thưa ông," cô nói. "Thậm chí sớm hơn, nếu chúng tôi có trường hợp hủy hẹn."

"Được rồi," người họa sĩ nói, "xin hãy xếp lịch cho tôi." Và ông đọc tên mình, đánh vần từng chữ.

"Cảm ơn ông," nữ nhân viên nói. "Thành phố của chúng ta cảm ơn ông; đất nước của chúng ta cảm ơn ông; hành tinh của chúng ta cảm ơn ông. Nhưng lời cảm ơn sâu sắc nhất là từ các thế hệ tương lai."