Oddly normal podcast

CÔ LẬP 1 THÀNH PHỐ LÀ NHƯ THẾ NÀO?

Cô lập (isolate & locked down) một đô thị 11 triệu người là hiện tượng bất bình thường, chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Vì sao lại như thế?

Mỗi khi nói đến việc Vũ Hán bị cô lập để kiểm dịch thì mọi người chỉ suy nghĩ đến một động tác đơn giản là đóng cổng vào 1 thành phố. Đặc biệt là những người hay phán xét vấn đề chỉ dựa theo cảm tính, gần đây có bạn KTS làm việc ở Thượng Hải trao đổi riêng với tôi thì tôi cũng nêu quan điểm của mình như sau:

Theo lý thuyết ‘’Chiến tranh và Đô thị’’ (War&City) thuộc bộ môn Lịch Sử Kiến trúc mà tôi từng phải học trong thời gian làm việc cùng UNHCR thì có 2 vấn đề cần quan tâm khi cô lập 1 thành phố dân sự mà không phải là tình huống chiếm đóng. Nó không như trong hình dung của chúng ta.

●THỨ NHẤT: QUY MÔ ĐÔ THỊ
Việc cô lập Vũ Hán (11 triệu người) và các thành phố lân cận (50 triệu) là quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử được ghi chép lại của con người. Vậy nên tỷ lệ này sẽ gây ra những lúng túng nhất định ở mọi cấp hành chính và hiển nhiên nó không đơn giản.

Trên thực tế, không bao giờ tồn tại 1 ‘’cánh cửa’’ nào đó để đóng một thành phố lại như trong suy nghĩ của phần đông chúng ta. Muốn đóng cửa 1 thành phố, trước hết ta phải đưa toàn bộ hệ thống logistic (giao thông và hậu cần) nằm dưới sự kiểm soát của các cơ quan an ninh và quân đội. Mạng lưới giao thông trong thành phố 11 triệu dân là rất đồ sộ (massive infrastructure), kiểm soát nó không hề dễ dàng. Bạn cứ tưởng tượng để cô lập 1 thôn ở Đồng Tâm thì nhà chức trách đã phải huy động lực lượng 3000 người có vũ trang là hiểu.

Đi kèm với logistic sẽ là thiết lập các khung, biểu giờ giới nghiêm để đảm bảo rằng công dân lưu trú ở trong nhà. Thực tế ấy giúp giảm số lượng nhân viên của hệ thống giám sát xuống. Điều này dễ thực thi trong thời chiến hơn là thời bình. Cá nhân tôi cho rằng khả năng xảy ra tình huống này là thấp.

Tiếp theo là đối với các nhu cầu thiết yếu (basic needs) bao gồm nước sạch, thực phẩm và năng lượng. Những nhu cầu này phải được cung cấp đầy đủ đến dân chúng, xin nhắc lại rằng đây không phải là tình huống chiếm đóng. Vấn đề ở đây là, các nhu cầu thiết yếu trên vẫn cần được bảo đảm ngay cả khi thành phố này dừng hẳn mọi hoạt động sản xuất. Một thành phố giống như một cơ thể, nó tồn tại không phải bởi vì nó lớn hay nhỏ, mà bởi nó ‘’vận động’’ (active). Sự vận động đó tạo ra các sản phẩm để nuôi sống con người trong thành phố. Khi 1 thành phố dừng vận động, nó sẽ phải dựa vào nguồn dự trữ của nó. Khi các nguồn dự trữ trong thành phố trở nên khan hiếm thì có 2 khả năng, hoặc là phải mở lại các nhà máy hoặc phải viện đến nguồn cung cấp từ nơi khác. Nếu dịch bệnh kéo dài, khả năng đã nêu thứ hai xảy ra, có nghĩa là phải mở 1 phần của hệ thống logistic để vận chuyển nhu yếu phẩm từ nơi khác đến.

Trường hợp Vũ Hán sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều nếu các thành phố quanh nó không bị cô lập. Các thành phố ấy sẽ hỗ trợ cung ứng cho Vũ Hán của chúng ta, tuy nhiên nếu chính những nơi đó cũng bị hạn chế thì sẽ đến lúc mà chúng phải dừng xuất đi để mà tự lo cho chính mình. Hi vọng những nơi này sớm kiểm soát được dịch bệnh để các nhà máy, cơ sở sản xuất hoạt động trở lại. Đến đây, vẫn xin được lưu ý rằng quy mô 11 triệu người bị cô lập trong vùng kiểm dịch là lớn chưa từng có nên khó có thể khẳng định điều gì.

Có hai yếu tố chính cần quan tâm ở một đô thị bị cô lập. Thứ nhất là ”Quy mô đô thị”. Thứ hai là ”Tâm lý xã hội trong vùng bị cô lập”

●THỨ HAI: TÂM LÝ XÃ HỘI TRONG VÙNG CÔ LẬP
Đây là chủ đề về tâm lý xã hội đô thị phức tạp. Tuy vậy, yếu tố này vẫn gắn liền với các nhu cầu cơ bản. Như Bác kính yêu của chúng ta đã nói, con người vẫn còn là Người cho đến khi họ được đảm bảo các nhu cầu cơ bản. Khi bị mất đi các nhu cầu cơ bản như thức ăn, nước sạch, năng lượng, các cộng đồng sẽ trở nên hung dữ hơn rất nhiều. Điều này gây cản trở cho hoạt động tiếp tế, bảo an, vốn được duy trì bởi nhà chức trách và hệ thống an ninh, quân đội. (phim Mỹ về hậu thảm họa – post disaster – được làm dựa trên nghiên cứu tâm lý xã hội là vì thế)

Quản lý một quy mô dân số 11 triệu người bị cô lập không hề đơn giản. May mắn là TQ có lực lượng quân nhân được cho là đông đảo. Tuy vậy, cần phải nhớ rằng việc đảm bảo an toàn truyền nhiễm cho quân nhân là rất quan trọng, bởi vì an ninh và quân đội là yếu tố sống còn trong các đô thị bị cô lập. Tất cả mọi thứ phải được đặt dưới sự kiểm soát và giám sát (Mass surveillance regime). Nhà chức trách cần huy động lực lượng số lượng lớn để quản lý nhưng cùng một lúc, phải đảm bảo sự an toàn cho lực lượng này trong vùng dịch bởi vì họ chính là lực lượng ‘’active’’ duy nhất và cũng có khả năng bị lây nhiễm cao nhất. Ở trường hợp Vũ Hán là rất nhạy cảm vì lẽ đó.

●Tóm lại, cô lập (isolate & locked down) một đô thị 11 triệu người là bất bình thường. Thế giới phương Tây hoảng sợ không phải bởi dịch bệnh mà là bởi quy mô của lệnh cô lập này. Nó phản ánh rằng nhà chức trách TQ ý thức được tương đối cụ thể tình huống mà họ đang đối diện. Tình huống đó không nên bị đánh giá thấp. Người ta lo sợ vì không biết đang thực sự phải đối diện với điều gì, trong những tình huống như vậy thì sự cẩn trọng không bao giờ thừa.

Hi vọng người dân TQ mạnh mẽ vượt qua biến cố này và chính phủ của họ chia sẻ thông tin một cách rộng rãi hơn cho các nước khác để cùng phối hợp chống dịch.

#XND Le Quang
Ảnh: Đường phố Vũ Hán. Nguồn ảnh CNN

Exit mobile version