Trên đường đi bộ về Văn Phòng, tôi cũng nghĩ ngợi lung tung về chiến tranh Việt Nam và tôi thấy rằng Người Hàn Quốc đã có bước đi hợp lý. Ngành công nghiệp giải trí HQ và thành tựu của nó đúng là khiến người ta phải ghen tị. Tôi có xin phép Hyejin là sẽ đăng đoạn đối thoại này lên facebook của mình.
Tôi có cô bạn thân người Hàn Quốc thi thoảng đi ăn trưa với nhau nói chuyện rôm rả. Hôm qua ngồi chưa ấm chỗ bạn bảo xem “Hạ cánh nơi anh” (Crash Landing on you) xong khóc sưng cả mắt. Tôi lấy làm lạ vì bạn tôi dù tướng mạo chuẩn ngôi sao K-pop nhưng vốn không ưa phim bộ Hàn. Nghiệm ra thì có 1 số phim Hàn Quốc tôi xem còn kĩ hơn bạn (Ví dụ như phim Classic (2004).
Tôi hỏi Hyejin rằng sao tự nhiên dở chứng lên xem một bộ phim Propaganda (phim tuyên truyền) như thế. Bạn bảo tôi rảnh thì nên xem vì bộ đó thực sự thành công mọi mặt tuyên truyền. Cuộc nói chuyện cuối cùng kéo dài. Tôi coi đây là dịp để hiểu hơn về Văn hóa Hàn Quốc cũng như tâm lý người xem dù rằng serie này tôi chưa xem mà mới chỉ nhìn ảnh poster. Có mấy ý ghi lại được như sau, coi như là phỏng vấn.
—
●Tôi: – “Nếu là mười năm trước thì phim này có thể được công chiếu không?”
►Bạn: – “10 năm trước thì tao nghĩ là không bởi vì thời đó Tổng thống của bọn tao (HQ) nặng về tâm lý coi Triều Tiên là kẻ thù. Tuy nhiên bây giờ người HQ thực sự bắt đầu nghĩ rằng chúng tao có thể thống nhất hai miền trong 20 năm tới bằng con đường hòa bình. Phim này làm là đúng lúc đấy Quang ạ. Bởi vì nó dần dần mang vấn đề Triều Tiên ra trước công chúng một cách khéo léo”
Tôi: – “bây giờ bọn mày có coi Triều Tiên là kẻ thù không?”
►Bạn: – “Thời đi học thì tất cả bọn tao đều được học rằng Triều Tiên là anh em, nhưng sau này khi đi nghĩa vụ, như thằng em trai tao nói thì trong lính người ta dạy nó rằng Triều Tiên là kẻ thù. Biết nói thế nào nhỉ? Bọn tao vẫn đang ở trong tình huống chiến tranh mà. Thế hệ của mẹ tao thì khác, bà ấy được dạy rằng Triều Tiên là kẻ thù và bây giờ bà ấy vấn nghĩ như vậy”
Tôi: – “mày có cho mẹ mày xem phim này không”
►Bạn: (Cười) – “Có!, mẹ tao thích lắm, hai mẹ con tao cùng xem. Bà ấy nói rằng đây là một chuyện tình cảm động, bà ấy cũng khóc khi xem phim”.
Tôi: – “Hyun Bin đóng vai nam chính đúng không, tao thấy anh ta xuất hiện trong một bộ áo sĩ quan Triều Tiên, mẹ mày có bận tâm về điều này không?”
►Bạn: – ”Đúng rồi, tao không thích Hyun Bin lắm nhưng sau phim này tao đã trở thành fan của anh ấy, mẹ tao cũng vậy. Đó là một hình mẫu tuyệt vời. Tao không quá lời đâu, dù rằng cả tao và mày đều không thích các kịch bản tuyên truyền”
Tôi: – “Thế thì mày yêu nhân vật ấy vì đó là Hyun Bin hay vì đó là cái nhân vật mà anh ta đóng?”
►Bạn: – “Tao nghĩ là cả hai. Mẹ tao nói rằng một người đàn ông thực sự chỉ đơn giản là người ngay thẳng và có niềm tin vào tình yêu mà thôi”.
Tôi: – “Này, nói thật là nếu đó là Hyun Bin thì có lẽ đến cả người Mỹ xem cũng yêu thích anh ta chứ không chỉ người Hàn Quốc đâu. Mày nghĩ gì khi người ta để cho nam chính là một sĩ quan Triều Tiên còn nữ chính lại là một cô gái Hàn Quốc”?
►Bạn: – “Ừ, hay nhỉ. Mày nói tao mới để ý. Tao nghĩ đó là bởi vì người sĩ quan ấy là đại diện cho sự ngay ngắn (straight guy) của dân Triều Tiên, hơn nữa anh ta bảo vệ cô gái Hàn Quốc trong bí mật. Mày biết đấy, giả sử như ta hoán đổi lại, một cô gái Triều Tiên sẽ khó có thể bảo vệ một người đàn ông Hàn Quốc. Còn nếu như để cho một người đàn ông Hàn Quốc bảo vệ một cô gái Triều Tiên thì điều đó quá bình thường phải không?”
Tôi: – “Hiển nhiên, và phụ nữ Triều Tiên thì chưa có phẫu thuật chỉnh hình phải không? Sẽ không có ai như Son Ye Jin cả (nữ diễn viên yêu thích của tôi, cũng đóng 2 vai chính trong Classic 2004). Giữa phim này và Classic thì mày thấy phim nào hay hơn (Lưu ý bạn đọc, phim Classic là một phim kinh điển của HQ có liên quan đến chiến tranh Việt Nam).
►Bạn: (Lườm) – “Khó để so sánh lắm, nhưng tao thích phim này hơn. Mày biết đấy, có thể chúng ta đều đã trưởng thành nên xem những phim như thế này phù hợp hơn. Classic nói về những thanh niên đôi mươi, Son Ye Jin đóng phim đó rất hay nhưng không sâu như ở phim này. Cô ấy cũng đã già đi. Về chất lượng hình ảnh thì phim này có lẽ là hơn, công nghệ tốt hơn, cảnh quay đẹp hơn.”
Tôi: – “Tao nghe nói phim quay ở Zurich (Thụy Sĩ – nơi tôi cũng từng sống trước đây. Hehe) Phải không? Đấy là bối cảnh hay là câu chuyện có diễn ra ở Thụy Sĩ thật?”
►Bạn: – “Câu chuyện có diễn ra ở Thụy Sĩ thật, mày biết đấy, đó là nơi mà cả người Hàn Quốc và người Triều Tiên được tự do đi đến. Nhưng tao không tiết lộ thêm đâu, mày để dành mà xem”
Tôi: – “Mày có nghĩ phim này sẽ được chiếu ở Triều Tiên không?”
►Bạn: – “Tao không nghĩ là Kim Jong Un sẽ cho chiếu phim này. Viên sĩ quan trong phim sẽ bị tử hình nếu thực sự anh ta hành động như trong phim. Bọn tao chỉ làm cho dân HQ xem thôi. Người xem bắt đầu có những chuyển biến về thái độ đối với vấn đề Triều Tiên. Từng chút từng chút một, mọi người sẽ có cái nhìn hòa hợp dân tộc hơn, mẹ tao là một ví dụ. Tao biết rằng điều đó không thể xảy ra ngay, nhưng từng chút một người ta sẽ nhìn nhận mềm dẻo hơn xưa. Thế hệ tao coi đó là thành công rồi, 20 năm nữa có thể bọn tao sẽ có được thống nhất”(đoạn này tôi biết rằng bạn tôi thực sự đang mơ về ngày đó)
Tôi: – “Có nghĩa là phim cũng đã đặt một quan điểm chính trị lên bàn? (put a political topic on the table)”
►Bạn: – “Ừ, trong khi phim chiếu trên sóng, báo chí Hàn Quốc bắt đầu viết khá nhiều về Triểu Tiên. Thanh niên Hàn Quốc cũng bắt đầu để ý đến văn hóa Triều Tiên. Dù bọn tao có chung nguồn gốc nhưng dường như người Triều Tiên dùng nhiều từ truyền thống hơn. Ví dụ trong phim, nam chính thường xuyên dùng từ “Choson” (tên vương triều cuối cùng của 2 miền). Anh ấy dùng rất nhiều từ cổ, điều đó làm thanh niên HQ thích thú. Thậm chí nó trở thành các từ được giới trẻ ưa dùng hiện nay.
Tôi: – “Khi nhìn vào poster, tao thấy nam chính dường như là một nhân vật bước ra từ quá khứ, mày biết đấy, anh ta là hình mẫu nhân vật của những năm 80. Không phải sao? Triều Tiên dường như bị mắc kẹt trong quá khứ. Trong khi đó, cô gái Hàn Quốc thì đúng là cô gái ở hiện tại. Mày có nghĩ điều này tạo nên yếu tố xuyên không – khá sến sẩm trong phim truyền hình không?”
►Bạn: (cười to) – “Tao phải nói chuyện này với mẹ tao, mày xem có đúng 1 cái poster mà nghĩ ra được như thế thì kể cũng tài đấy Quang ạ (chuyện, tôi là chuyên gia xem poster phim mà). Đúng như mày nói, tao nghĩ có yếu tố xuyên không ở đây. Nền giải trí HQ đã có quá đủ những nam thần dân chơi ẻo lả và giờ đây bọn tao cần những nam chính “thẳng” như thế. Mày thử nghĩ mà xem, có ai lại trao vai này cho thần tượng K-pop?”
Tôi: – ”Tao thấy thể hình của T.O.P đóng được vai này, G-Dragon cũng có thể đóng được nếu như kịch bản nói về một sĩ quan nghiện hút”
►Bạn: – “Thôi mày xem đi, hay lắm. Mặc dù là Propaganda nhưng nó lay động lòng người. Có thể mày sẽ thích vì chúng mày cũng có thời gian dài chia cắt. Nam – Bắc Việt Nam ấy, có khác gì bọn tao bây giờ đâu”
Tôi: (Cười) – “mày nhầm rồi Hyejin ạ, bọn tao không bao giờ ca ngợi kẻ thù như cách mà chúng mày đang cố làm với Triều Tiên. Và Triều Tiên không bao giờ ca ngợi chúng mày như những gì mà bọn mày đang cố hòa hợp dân tộc”
►Bạn: – “Thật à? Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc 50 năm rồi? Không có tuyên truyền hòa hợp hay sao?”
Tôi: – “Không có đâu Hyejin, bọn tao chỉ biết về “Bên thắng cuộc” thôi. Dù sao tao cũng mừng cho đất nước mày, tao biết đó chắc chắn là một phim hay. Ở Việt Nam người ta cũng bàn tán về phim này nhiều lắm, mọi người rất thích. Bọn tao cũng có nhiều câu chuyện về chiến tranh Việt Nam đáng để làm thành phim và cũng có nhiều nhà làm phim giỏi, nhưng có lẽ chúng tao vẫn còn phải đợi rất lâu để có thể làm những phim như vậy. Bọn tao từng làm lại “Ngôi Nhà Hạnh Phúc” và “Hậu Duệ Mặt trời” của bọn mày, nhưng sẽ không phải là phim này. Hyun Bin à, quê tao đầy” hehe.
— —
Trên đường đi bộ về VP, tôi cũng nghĩ ngợi lung tung về chiến tranh Việt Nam và tôi thấy rằng Người Hàn Quốc đã có bước đi hợp lý. Ngành công nghiệp giải trí HQ và thành tựu của nó đúng là khiến người ta phải ghen tị. Tôi có xin phép Hyejin là sẽ đăng đoạn đối thoại này lên facebook của mình. Bạn bảo ừ thoải mái nhỡ đâu mai này bạn lại sang Việt Nam khởi nghiệp ca sí, diến viên. Tôi trấn an bạn rằng bạn đã quá già để làm điều đó.
Đôi lời trao đổi với Hyejin như vậy, đã lược qua rất nhiều đoạn bình phẩm hươu nai về thời trang, về phẫu thuật thẩm mĩ, về kinh tế & chính trị… cốt để mở ra phần nào các chủ đề mà người Hàn Quốc (người trong cuộc) quan tâm về phim này. Chắc chắn đó là một phim tuyên truyền hay.
Có một câu hỏi tôi định hỏi Hyejin nhưng sau lại thôi, đó là từ “You” ở trong “Crash Landing on You” là ám chỉ người nào, cô gái Hàn Quốc hay người đàn ông Triều Tiên. Hi vọng sớm được xem phim để tìm lời giải. – Hạ cánh nơi đâu?
#XNDLe Quang#Kdrama#Kpop#Crashlandingonyou
Xem bài gốc tại: https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10221445012052586&set=a.10211535723926576&type=3&theater
Ảnh: ảnh tôi chụp bên bờ hồ Geneva, Thụy Sĩ năm xưa. Tại đây, người ta đã kí kết các hiệp định về vấn đề Nam – Bắc Triều Tiên và Nam – Bắc Việt Nam chỉ trong vẻn vẹn 3 ngày trung tuần của Hội nghị Geneva vào năm 1954. 70 năm sau, lịch sử đã đẩy tất cả các bên đi theo những hướng khác nhau kéo theo số phận của hơn 200 triệu con người. — in Geneva, Switzerland.