Sáng nay tờ Die Zeit chuyên về xã luận của Đức có một bài viết tựa đề ‘’Đừng gọi họ là anh hùng’’ trong đó lưu ý rằng tất cả những trợ lý bổ sung của bác sĩ hoặc những người làm việc ca đêm, sau ba tuần, đều trở thành anh hùng.
Một nhân viên thu ngân tại siêu thị từ chối uống nước tại nơi làm việc để không phải đi vệ sinh – anh hùng. Một tài xế xe tải từng bị thóa mạ trên đường cao tốc – giờ là anh hùng trong việc cung cấp hàng hóa. Một y tá đã làm việc 15 ngày vì đồng nghiệp bị thoát vị đĩa đệm – một anh hùng khác thậm chí còn không biết rằng mình đã là anh hùng. Điều kì lạ là bản thân những anh hùng mới này dường như không nghĩ nhiều đến việc được quốc gia tôn vinh vì đã làm công việc của họ, chỉ cho đến khi khủng hoảng xảy ra.
Một số cuộc khảo sát được tiến hành với các bác sĩ, y tá. Họ nghĩ gì khi nay đã trở thành những người ”anh hùng mới”?
Một bác sĩ chăm sóc đặc biệt cho biết: ‘’Tôi thấy điều đó thật ngớ ngẩn. Đó là một kiểu khẩu hiệu chiến tranh mà tôi không thích. Nhiều người vui và vỗ tay. Nhưng dán mác anh hùng vào một ai đó thì không tốn một xu và chẳng để làm gì cả’’
Một y tá chăm sóc đặc biệt: ‘’Một mặt tôi hài lòng, mặt khác, hiện thực là công việc của chúng tôi đã không có chính sách và nhiều năm qua không được coi trọng’’.
Một y tá lão khoa: ‘’Khi toàn bộ những điều này kết thúc, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc của mình. Đó chính là sự xúc phạm và là trò hề. Sau khủng hoảng, tiền lương không tăng và sự tôn trọng nghề nghiệp rồi sẽ biến mất nhanh như khi nó đến”
Một bác sĩ: ‘’Việc bạn thực hiện công việc mình được đào tạo thì không có bất kì liên quan nào đến chủ nghĩa anh hùng. Thật tồi tệ khi bạn phải chờ đến một đại dịch để mà nhận được sự trân trọng từ nhà nước của bạn và hệ thống chính trị.’’
Cây bút Alice Bota sau đó đã đưa ra bình luận cay đắng:
‘’Có lẽ việc tôn thờ chủ nghĩa anh hùng này, một cách bất ngờ, có rất ít liên quan đến chính người anh hùng mà chủ yếu là để thỏa mãn những kẻ đang tôn vinh họ. Điều này che giấu đi lương tâm tội lỗi vốn đã được chấp nhận trong nhiều năm rằng những người ‘’anh hùng’’ kia đã phải làm việc trong những điều kiện không thể chấp nhận được, bị bóc lột và gặp nhiều rủi ro’’.
Thực tế có lẽ là đúng như vậy, khi ta gọi ai đó là ”anh hùng”, đồng nghĩa với việc ta chấp nhận sự hi sinh của họ một cách dễ dàng mà không luyến tiếc. Họ có thể chết hoặc gặp rủi ro, nhưng sao nào? Chẳng phải họ đang làm cái việc mà mọi ‘’anh hùng’’ đều làm hay sao? hi sinh cá nhân cho cộng đồng.
Mọi người quên đi rằng chính những người anh hùng ấy vốn và đang được trả công rẻ mạt, quyền người lao động của họ bị xem thường. Mọi người quên đi rằng có lẽ họ sẽ đi làm với cả nỗi sợ hãi trong lòng, họ không chỉ sợ bệnh tật mà ngay cả khi không thể tiếp tục thì họ cũng không dám dừng lại. Bởi một lí do đơn giản rằng ai sẽ thông báo điều đó đến ba đứa trẻ (ám chỉ con cái) đang đợi ở nhà?
Đừng vội hiểu lầm, hãy cứ tiếp tục biểu dương và vỗ tay như đã từng. Chúng ta được phép cổ vũ và chúc mừng. Nhưng sau đó xin đừng bao giờ quên rằng tiếng vỗ tay, tự thân nó không tạo ra quyền con người, và hiển nhiên tiếng vỗ tay không phải là thứ mà người ta dùng để trả tiền thuê nhà.
———————–
Một bài viết hay của cây bút Alice Bota. Phải thừa nhận rằng nó là một góc nhìn thẳng thắn mà chỉ xuất hiện ở nền báo chí Tự do. Sự tự do không chỉ là nền tảng của đạo đức mà nó còn là cơ sở của trí tuệ và lòng can đảm.
Để tránh đi những tranh luận không cần thiết, bài báo trên không nhắc đến bất kì nước nào khác ngoài Đức, hiển nhiên nó không nói về VN. Bài viết cũng phải đặt trong bối cảnh về văn hóa và đạo đức nghề nghiệp rất đặc thù của người Đức.
PS: ‘’Khốn khổ thay cho những đất nước phải cần đến anh hùng’’
#XND Le Quang
Ảnh: ”Hãy nhìn vào người anh hùng này, khi cởi bỏ lớp áo choàng xanh họ còn lại điều gì ngoài danh dự nghề nghiệp?”